0435765799
Nhiều người cho rằng, bệnh tăng huyết áp chỉ có ở người già, đó là sai lầm vì hiện nay người trẻ (dưới 35 tuổi) mắc bệnh tăng huyết áp đang chiếm tỉ lệ khoảng 5% - 12%. Do người trẻ tuổi thường khó phát hiện bệnh, hoặc chủ quan không biết mình mắc bệnh tăng huyết áp, nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo đánh giá của các chuyên gia tim mạch, bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình và thường được phát hiện tình cờ trong những đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác. Dấu hiệu không điển hình của bệnh tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp...
Nếu nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, thì ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Các nguyên nhân có thể gặp là do bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu, bia... Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá, béo phì, stress, lối sống tĩnh tại, ăn quá mặn.
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần có chế độ ăn khoa học: Ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ... Chỉ nên ăn không quá 2 – 4gr muối mỗi ngày. Nên ăn thức ăn có chứa các chất kali (có ở chuối, nước dừa, đậu trắng), can xi (sữa, tôm, cua), ma-giê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt lợn, bò, gà...
![]()
Không nên ăn quá ngọt, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 – 45 phút. Người trẻ tuổi cũng cần đo huyết áp thường xuyên hằng tuần, cho dù không có triệu chứng bệnh, để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
|